Chuyện về bà cụ đi vêu vao giữa chợ đời
"Có lẽ với bà ấy nỗi cô đơn là sự ám ảnh lớn nhất và dai dẳng nhất"
Con hẻm nhỏ lẩn khuất sau lưng một khu xứ đạo toàn tòng, ô cửa nhỏ xíu và duy nhất màu xanh im ỉm đóng.
Cửa nhà bên cạnh mở, và một cọ ông lọm khọm tiếp chúng tôi, ông bảo đợi đi, bà ấy lại vêu vao đi đâu đó rồi, cũng khổ...
Bà ấy mà cụ ông tên Quí nhắc tới chính là bà lão già nua sở hữu ô nhà tí teo với cánh cửa xanh cũng tí teo, muốn liên lạc, xin cứ tự nhiên mượn số nhà ông cụ hàng xóm là sẽ dò ra, thật tiện ích.
Cụ bà ấy là bà : Nguyễn Thị Chí (679/29/28 tổ 30 (cũ). tức tổ 20 (mới ) KP4 Phạm Văn Chiêu, P13 GV - đây là địa chỉ nhà ông Quý hàng xóm sát cạnh nhà bà Chí, nhà bà chí không có số nhà), theo tuổi ngày xưa là tuổi tí nghĩa là ngót 80, nhưng theo giấy tờ kê khai thì bà cụ lại tre trẻ thêm dăm tuổi và đây cũng là nỗi khốn khổ cho bà cụ:
- Đôi khi trò chuyện với bà ấy, bà cứ thở dài, giá lúc làm giấy tờ ấy mà, khi đó còn trẻ mà, lại cứ thích trẻ thêm thế nên khai rút ngắn tuổi đi, nếu không là tôi được vào diện trợ cấp rồi, ấy sao mà tôi dở người quá - ông quý thuật lại lời người bạn già sát vách.
Bà cụ Chí là một người sống cô thân độc quả, đúng ra bà cũng nuôi một cô con gái nuôi, song hai mảnh đời nghèo héo hắt ráp vào nhau thì chỉ sinh nở ra nỗi buồn và cái nghèo đeo đai tiếp.
Cô con gái đến tuổi biết khao khát thương yêu, thì lại cũng chỉ có thể kiếm cho mình một cậu trai cũng thất học, thất thểu và đói nghèo, họ dắt díu nhau đi đâu đó sống với nhau, chẳng tiền của lấy gì mà cưới hỏi, hồi đầu còn leo ngeo về thăm bà mẹ nuôi, dần dần rồi cũng chả thấy tăm hơi, bà cụ lại chở về trạng thái.... không con cái.
“Bà ấy đi.... ăn mày đấy.” - cụ Quí lại cho hay, không phải ăn mày ăn xin kiểu xó chợ đầu đường, mà là bà ấy cứ đi vêu vao thế còn gặp người này người kia, rồi họ cũng cho cái này cái kia qua ngày, khi nào bà ấy bệnh lên thì lại nằm bẹp ở nhà, tui cũng lại dành thời gian lại qua cho bà ấy đỡ tủi !
Có lẽ bà ấy sợ hãi nỗi cô đơn đó mấy cô mấy chú à, quanh xóm người trẻ lo làm ăn đâu có ở nhà, gìa lụ khụ như bả thì đâu có ai đằng đằng bao nhiêu năm giời cô quạnh thế...thành ra bà ấy hay đi, đi cho ngày ngắn lại.
Để gọi là đang sống - thì sẽ là như thế nào đây
Những bàn chân tình nguyện ra vô con hẻm nhỏ này đã là từ rất lâu rồi, họ hiểu rõ công việc của mình : không chỉ là cứu trợ khó khăn, mà là dai dẳng để tìm lại cho một con người cô đơn cái cuộc sống dường như là đã mất.
Thì cứ đến, đến có khi gặp mà có khi không, đến để một con người từng đặt giấc mơ làm mẹ vào đứa con người dưng, rồi nó lại đi mất biến vì mê mải một thằng con giai, thì tình nguyện viên đến để bà cụ thấy nhà có tiếng người lại cứ ngỡ con mình nó về, sao mà đông vui đến thế.
Rồi đến, để mang tới cho cụ vật chất đúng nghĩa, lon gạo, thùng mỳ, đôi khi là tấm áo cánh may theo kiểu xưa, dặn dò, có gạo, có mắm nè, má bớt đi, đi ra đường già cả rồi. Lỡ...làm sao, thì chúng con đâu biết mà mò tới kịp.
Rồi đến, đến thật sự lúc cấp kỳ, khi mà nửa đêm nửa hôm bà cụ bỗng rù đi, ông cụ Quí lại liên lạc nào là tới chị L. , hay anh P. uỳnh uỵch chạy tới rinh bà cụ đi bệnh viện đưa đi cấp cứu.
Phường sở tại người ta cũng thương lắm, dù chưa tới tuổi trợ cấp người cao tuổi theo giấy tờ (qui định là 80), song các anh chị ở chính quyền cũng cấp cho bà suất cứu trợ gia cảnh khó khăn được 240 ngàn, bà cụ cứ ngỡ ngàng khoe với các tình nguyện viên, vui như là trúng tờ độc đắc.
Rồi phường cũng lại thương mà cho người vô vôi ve sơn quét lại căn nhà khi dịp tết về, có ai muốn nơi khu xóm mình mà lại sót lại một cái góc tối tăm và hoang lạnh.
Có đôi khi ngồi lại bàn bạc công việc, thành viên của mái âm giữa đời bỗng thở dài, họ thưa với người linh mục rằng:
- Vậy Cha ơi có khi nào mà chính ta ra nông nỗi như bà Chi không, thấy sao mà buồn, và cũng sợ cho cái gọi là tuổi già làm vậy?
- Ai rồi cũng sẽ chạm vào hủy diệt, người mục tử giảng giải vấn đề, song cái quan trọng là hãy nhìn nó bằng tia nhìn lạc quan hơn. Với bà cụ này, nỗi ám ảnh là thiếu thốn và cô đơn, song thật sự là cái hoang lạnh đang ấm dần lên, bà ấy có một ông bạn già gần sát bên, và giờ lại có bàn chân các chúng con bước tới. Các chúng con đừng nhìn sự đời buồn đau rũ rượi, theo cha : mua cho bà cái bảo hiểm y tế nè, kết nối tương quan với xóm giềng xung quanh như là ông quí. cha còn biết một sự mà các con chưa biết...
Và điều vị mục tử cho các học trò biết ấy là bà cụ còn một người rất thân theo huyết thống, song có lẽ ngại, và sợ phải dây dưa với một tương quan máu mủ quá nghèo, mà họ không tới thăm nom bà cụ. Người linh mục bảo : chừng nào các con đi cho dù mòn gót dép, chừng nào các con cầu nguyện cho tới khi lay động sự ngại ngần, chừng đó mới là các con góp tiếp một viên gạch mới cho Mái Ấm giữa đời, cứ phải là ấm thì mới là mái ấm!
- Ôi sao cha biết ạ. Và sao cha yêu cầu cao và khó quá đi - những người trẻ kêu lên ngạc nhiên và thích thú.
Là vì, người linh mục thủng thẳng : học trò thì không thể hơn thầy, mấy năm các con đi chăm bà cụ này, mà lại không chú ý cái nút kết nối rất hay là bác Quí, người già là một kho lưu trữ quí giá và chính xác vô cùng. Còn việc đòi hỏi cao, lẽ đương nhiên, chúng ta xây mái ấm giữa đời như thế này là một việc khác với sự bình thường, là phải đi tới căn cội của vấn đề, tìm lại, khôi phục lại cái giá trị yêu thương đang bị mất. Một ngàn lần các con thăm viếng, cũng sẽ không làm bà cụ hay đi vêu vao ấy cảm động bằng một bước chân của người thịt máu kia tìm về đâu, cứ tin lời cha, bà ấy đi vêu vao vậy chứ là toàn tới những người quen biết từ cổi hỉ cổ xưa, để nghĩa người ta nhắc hay kể dù chỉ một tí tin về người bà con ruột thịt thân tình kia đó, thành ra, cứ đi và đi nữa, nhưng đừng quên nguyện cầu, nguyện cầu để thịt máu tìm về với nhau, lo lắng cho nhau, xã hội sẽ đẹp thêm và bước chân ta cũng sẽ vơi đi chút vất vả.
Còn bây giờ khi mà điều đó chưa đạt được thì ngoài cầu nguyện, chúng tôi và các bạn hãy tiẾp tục mà tới với bà cụ chi này, để bà ấy bớt phải đi vêu vao thất thểu giữa cuộc đời, để góc nhỏ xíu trong cái hẻm nhỏ này ấm lên và không còn hoang lạnh!
Truyền thông Mái Ấm Giữa Đời