Hoàn cảnh

Mẹ ơi xuân này con sẽ về!

Đi qua nhiều cái ngã tư của khu vực toàn những con đường mới mới của quận mười hai, giữ điện thoại kết nối liên tục cuối cùng thiện nguyện viên chúng tôi cũng tìm thấy chị.

Chúng tôi sững sờ trước vẻ đẹp mặn mòi của người phụ nữ tuổi ngót bốn mươi đôi mắt chị thăm thẳm diệu vợi, quả thật chúng tôi đã sững sờ, dù rằng thư giới thiệu của độc giả cũng từng nhắc rằng chị đẹp. Và đau xót hơn ẩn sau cái đẹp mặt mòi, thần chết vẫn chực chờ và cắn xé chị từng ngày từng giờ. Và nao lòng khi biết rằng sau ánh mắt thăm thẳm và nụ cười khả ái là nỗi lòng của một người con gái xa quê, hiếu thảo và chọn lựa cho mình một cuộc sống gian truân chẳng một lời than thở. 

1- MẸ ơi xin đừng nhớ con nữa 

 

Trong căn phòng trọ nhỏ, tài sản không có gì ngoài sào phơi đồ và thứ quí giá là tấm bằng khen người nữ công nhân mười năm là lao động giỏi của xí nghiệp, sau khi giới thiệu làm quen với nhau và có lời gửi trước của một người bạn quen, người phụ nữ dần gạt qua sự ngại ngùng và chị chia sẻ với chúng tôi trong thổn thức :

 

- Con gái đẹp mà làm chi cho khổ, mười năm năm trước em rời quê vào đất Sài Gòn, thì cũng như bao cô gái của miền quê nghèo Thanh Hóa cất chân ra đi, cũng muốn kiếm một nơi làm ăn tự nuôi thân và phụ chăm cha mẹ già nơi quê xứ. 

 

Những năm đầu nơi đất phương Nam qua thật mau. Đồng tiền lương ít ỏi của một nữ công nhân đứng cắt chỉ nơi xí nghiệp may, phần nào giúp chén cơm nghèo của cha mẹ bớt vơi, nhưng không đủ giúp cha chị vượt qua cơn bệnh ngặt. Chị mất cha mới đó cũng mười năm...

Cha mất, chị hẫng hụt, nhưng ráng làm. Làm nuôi thân, làm còn phụ nuôi mẹ già, và làm để hi vọng tết đến xuân về, có tí đồng tiền về thăm mẹ, bởi tuổi già như chuối chín cây.... . 

Vậy mà...cái ước mơ nhỏ nhoi bỗng tắt lịm tức thời khi chị cứ bị những cơn làm mệt và đau thốn nơi vùng ngực...Có đôi khi chị nghĩ hay do mình không lập gia đình...nhưng rồi cơn đau cứ dày thêm và chị buộc phải đi bệnh viện. 

Tái trung âm xét nghiệm y khoa Hòa Hảo, sau khi có kết quả, bác sĩ mời chị tư vấn đầy thận trọng và kỹ càng, họ bảo chị phải tới bệnh viện ung bướu ngay, tuyệt đối không chậm trễ tuyệt đối không viện lý do công việc mà uống thuốc linh tinh, phải tới cấp kỳ, chị lo lắng...không lẽ...ung thư...?

Không còn là lo lắng, mà là ung thư thật, là ác tính, là mổ cấp thời không đầy ba tuần làm các xét nghiệm và thủ thục là chị lên bàn mổ, chỉ có sau ngày sau hậu phẫu chị lội ngược về nhà trọ đi làm, hơn một tháng liền thức trắng đêm để đối diện với bản án tử, và thu xếp cho việc hóa xạ trị...

Và rồi mẹ biết, làm sao giấu được người sanh nặng đẻ đau, sáu ngày nằm phẫu thuật chị nhờ một người họ hàng nuôi bệnh, và thế là mẹ biết...

Trái vải năm ấy chỉ năm ngàn một kg, mẹ còng lưng bán một gánh quả vải to, bán thêm một con heo nhỡ trong chuồng, và đội nắng đội mưa mấy buổi ven sông cào hến mới đủ triệu bạc gửi vào cho con gái..

Nằm bệnh viện xạ trị tóc rụng trọc đầu chị không buồn, buồn vì mẹ ở quê lo lắng cho mình. Xạ trị xong chị mua vội mớ tóc giả ở viện đội vô. Đi làm và cười tơi. Phải cười thôi, bao lâu nay chị em thương quý, giờ mang cái mặt héo và đầu trọc vô mang cái ảm ảnh ung thư vào chị em buồn thêm, trong xưởng có người cùng quê, mẹ sẽ biết và sẽ đau, vậy mình phải tươi, phải xinh dù mang tóc giả để mẹ an lòng...năm ấy khởi đầu cho dằng dặc nhiều mùa xuân, người phụ nữ đẹp quyết định không về bên mẹ.

- Mẹ nhớ con, anh chị mày mang cháu về nè, trên bàn thờ cũng có bố kìa con, con ơi, mẹ nhớ con lắm, mẹ chị khóc hu huhu qua điện thoại. 

- Xin mẹ, con xin mẹ đấy, xin mẹ đừng nhớ con...con ổn mà, chỉ là tết mà lại...tăng ca, con không thể về với mẹ.

Một sự nói dối vụng về, nhưng sự tính toán thì rất chi li cơ kỷ, đồng lương hạn hẹp vì liên tục phải nghĩ để theo đủ số toa hóa trị, sau đó là xạ trị. Tiền nhà, tiền ăn, và tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm...tất cả trong vào lương, nhưng không thể làm gánh nặng cho mẹ hiền, muốn vậy phải ráng làm ra tiền, phải minh chứng cho mẹ tin là mình đang sống mạnh khỏe...

Va thế là đã bốn mùa xuân người đàn bà đẹp không về quê. Bốn mùa xuân, chị không bóc một hộp bánh nào, chị là công nhân gương mẫu, tết nào cũng được công ty tặng một hộp bánh ngon. Suốt bốn năm chị dành hộp bánh và một triệu đồng ki cóp gửi về biếu mẹ. 

- Tôi thương mẹ, nhưng sức chỉ có bấy nhiêu, gắng gượng, uống thuốc thật đều...tự nuôi thân, không làm khổ phiền ai...tôi rất muốn phụng dưỡng mẹ, nhưng quả thật là bất lực...

Mai ai về đất Bắc 

Cho tôi gửi niềm thương

Ép một nhánh hoa đào 

Cho vơi đi nỗi nhớ 

Xuân đã về 

Giữa Sài Gòn tấp nập 

Rực rỡ nắng và hoa 

Tôi vẫn nghe tự lòng mình 

Một nỗi buồn xa xứ 

Chẳng thể nguôi...

Bất ngờ, cắt ngang câu chuyện, người đàn bà bỗng ngân nga đọc một đoạn thơ lạ lùng. Trong nước mắt chị bảo rằng : thơ ấy chị không làm, là trong một đêm giao thừa nằm cô đơn nơi gác trọ chị đọc ở một tờ báo và bỗng thuộc nằm lòng. Cả chị, cả chúng tôi, những thiện nguyện viên đi tim chị trong chiều giáp xuân rực nắng này, bỗng nhạt nhòa nước mắt 

2- Hãy để cuộc đời cùng chia sớt 

Trời sẽ không phụ người có cái tâm lành và đẹp, chị đã không cô đơn. Câu chuyện về người đàn bà đẹp can trường chịu cơn bệnh ngặt lan đi bắt đầu từ ô nhà trọ bé nhỏ. Phòng có ba chị em, tôn giáo khác nhau, xong hai em ở cùng rất thương người chị lớn. Một em tên Trang là tín đồ công giáo đã xin chàng chuỗi và treo ngay trên tấm bằng khen, em thường dành cho chị tình yêu thương, và đọc những chuỗi kinh dâng Thiên Chúa của em che chở cho người chị theo đạo Phật đang mang bệnh ngặt. 

Công ty cũng hết sức quí trọng người công nhân đã gắn bó suốt mười năm, nay chị bệnh công đoàn chăm cho, chị có bảo hiểm y tế để theo đuổi việc chữa trị căn bệnh ác tính đầy nguy hiểm...

Có ai đó đã gửi những dòng thư bí mật cho thiện nguyện viên, tòa soạn báo và đải tiếng nói nhân dân thành phố 

Và câu chuyện về một nữ công nhân mang trọng bệnh, vượt nên đau đớn làm một người lao động giỏi giang, một người con hiếu thảo mang bệnh ngặt nghèo ôm nỗi nhớ mẹ hiền dằng dặc bốn mùa xuân đã lan tỏa. 

 

Ngay trên giường dưỡng bệnh, một vị tu sĩ đã không cầm nổi nước mắt khi biết thông tin này, ông nhờ những học trò nhỏ của mình lập tức lên đường. Theo ông : người khỏe mạnh giữa xã hội hôm nay sống biết đạo hạnh hiếu đễ đã là quí vô cùng. Huống chi một người bệnh ngặt nghèo lại là phụ nữ đơn chiếc nơi đất khách quê người sống được như thế đã là quí xiết bao. Người tu sĩ gửi phần tiền dưỡng bệnh của chính mình chỉ mong muốn sẽ biến thành tấm vé để chị kịp lên chuyến tàu cuối năm về thanh hóa thăm mẹ hiền và đón mùa xuân nơi quê cha đất tổ...

 

Các thiện nguyện viên cũng bàn bạc, nghĩ tới việc trang bị cho ô nhà trọ một phươn tiện thông tin, để mấy chị em trong phòng có cái giải trí sau những giờ lao động cực nhọc. Trong ngôi nhà trọ tí xíu của chị chiều nay, có những lời an ủi và những phác thảo của công việc cần làm ngay vì đồng bào xa quê thiệt thòi, khi tư tết đã gần tới nơi bậc cửa...

 

Người phụ nữ nở nụ cười rất đẹp dù nước mắt cứ trào ra, chị gửi lời cảm ơn người thày của các thiện nguyện viên. Chị nắm chặt tay chúng tôi xin được gọi ông một tiếng thày và chị cũng cầu chúc cho Ngài chóng vượt qua cơn bệnh hiểm...

Sẽ có tiếng còi tàu vui rời sân ga đưa một người con gái thảo hiền rời phương nam về thăm mẹ hiền ở quê Thanh Hóa. Sẽ có ánh nắng ban mai chải mượt mái tóc mới mọc thưa thớt của chị sau một đợt xạ trị cam go, sẽ có cánh đào phai đón chị ngày về rung rinh và ngát thơm chị không phải là cánh đào chị mơ ước suốt bốn năm đằng đẵng. Và sẽ có vòng tay ốm thật chặt của mẹ ôm chị vào lòng. Vì chị đã rất thảo hiền, chị xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc ấy.

Và cho dù không mang dấu ấn thập tự yêu thương, song cha tuyệt đối chí nhân luôn coi chị là con, sẽ luôn vỗ về chị khi đau, khi buồn. 

Và chị ơi, chị không cô đơn nữa đâu, không phải chịu đau âm thầm một mình sau nụ cười rất đẹp nữa đâu, có chúng tôi đây, vâng lời cha chí thánh đến với chị chiều cuối năm này, mình là anh chị em của nhau chị ạ

Gạt nước mắt, chị cười, nụ cười thật sự ấm lòng chúng tôi, bàn tay cứ nắm chặt không muốn rời, chị ơi, Xuân này dứt khoát chúa sẽ đưa chị về với mẹ hiền yêu dấu. 

Phóng viên N.L đài tiếng nói nhân dân TP HCM thân mến, em có thể an lòng, chúng tôi đã đến với chị ấy rồi, và chúng tôi sẽ còn chăm sóc cho chị ấy, cảm ơn sự chia sẻ của em với thiện nguyện viên chúng tôi. Chúc tất cả đón mùa xuân an lành hạnh phúc.

 

Cảm ơn sự hi sinh âm thầm của vị tu sĩ đã dâng mình trong cầu nguyện và luôn dõi theo những bước chân đi vì đồng bào nghèo. Cảm ơn tất cả đã cùng đồng lòng thực hiện một khát vọng yêu thương không mệt mỏi !

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI


Có thể bạn quan tâm