Tiếng khóc thầm của những phận người khốn khó
Lọt thỏm vào dòng người xe sang trọng bóng bẩy đi lễ hội Chùa Bà ở thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương, nhóm thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời bỗng thấy mình như ngác ngơ, lạc lõng.
Chúng tôi hỏi đường liên tục cuối cùng cũng tới được UBND phường Chánh Nghĩa, những lại không gặp được người cần tìm, hỏi thăm cái địa chỉ mà thư độc giả cho ai cũng lắc đầu quầy quậy. Ngay cả khi liên lạc trực tiếp người là cha đứa bé trong thư giới thiệu anh ta cũng từ chối ra Uỷ ban đón chúng tôi, mà chỉ chỉ đường tới một vùng gọi là...rừng chàm khuất sau UBND xã.
Một người câu cá ở một con rạch đã có lời khuyên là chúng tôi đừng có vào rừng chàm đó một mình. Khu đấy nhiều xì ke và...đáng quan ngại.
Thả mình theo dòng người xuôi lễ hội Chùa Bà, chúng tôi reo lên, cách lễ hội chùa băng ngang một con đường, là nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, chúng tôi sẽ tới đó xin ý chỉ của lòng Chúa xót thương, Cha sẽ chỉ cho tôi con đường tôi phải đi tiếp.
Chúng tôi sấp mình trước tượng Chúa xót thương, xin Cha nếu thương chúng con, xin bớt chút thời gian ngự nơi thánh đường đẹp nguy nga lộng lẫy này, đi cùng chúng con trong chuyến công tác toàn ngõ ngách lạc loãi, kẻo chúng con bối rối và bắt đẩu thấy...nản.
Chúng tôi quay lại bìa rừng tràm, người câu cá đã đi mất tăm, nhưng may quá là may lại hiện ra một bà mẹ già còng lưng đẩy cái xe không, bà cụ bảo : đang rửa lại cái xe chuẩn bị đi bán dạo trái cây khu chùa bà và quanh nhà thờ chánh tòa, nghe xong lời kể lể của chúng tôi, bà cụ bảo : ta ở cái xó này khi chưa đẻ ra con bé ngổ ngược đó kìa, cha nó không muốn gặp các cháu là phải thôi, vợ nó chết nó lấy thêm ba bốn vợ nữa rồi, để ta đưa các cháu tới nhà người bà mợ, đó mới đích thực là người nuôi con bé, và cũng đến là khổ vì nó.
Và bà cụ đẩy cái xe vào lùm cây, nhảy tót lên yên xe của thiện nguyện viên. Tạ ơn Chúa cho chúng con gặp ngay thổ địa.
Bà cụ chỉ dẫn cho chúng tôi xuôi những con đường đất đỏ, tới con dốc gồ ghề, thì lại nhảy tót xuống xe và bảo :
- Ta đi đây, cái nhà mái nâu nâu xin xỉn đó là nhà nuôi nó đấy, ba bốn nhà quanh đấy là bà con con bé không hà, ta không có nên vô đó, kẻo họ bảo ta lắm chuyện.
Và bà lão biến mất sau những lùm cây lúp xúp lô nhô, cảm ơn bà, một bà lão tốt bụng Chúa sai đến giúp chúng coin khi bối rối
Lắng nghe một tiếng khóc thầm.
Người đàn bà lớn tuổi, tướng tá chắc chắn mọc mạc tiếp chúng tôi bằng những giọt nước mắt cứ ứa ra:
- Vâng tôi nuôi nó từ lúc bốn tháng, đỏ hỏn tới giờ má nó mất, cha nó vụng nuôi, mất cả ba năm trời mời làm được giấy khai sinh. Tôi vai bà mợ dâu của nó thôi, nhưng bỏ nó thì không đành không đoạn.
Rồi nó lớn, chẳng chịu học hành, cha nó thì vô tâm lấy mấy lần vợ, nó chín tuổi mới tới trường, xin cho nó học lớp chính qui như con người ta đâu có dễ gì, các thầy cô mà không thương nó đâu có vô trường được.
Vậy mà giờ nó vừa lớn, trổ mã là không còn biết nghe lời như những ngày xưa, nó không thấy sự rèn cặp của ông bà họ là tình thương của bậc làm mẹ làm cha, nói chả treo bày đặt về với cha nó khu rừng tràm, cái chính là nó không muốn học hành, rời đây đi chơi đàn đúm cho tiện.
Mấy hôm rày người đàn bà luống tuổi, vai vế là bà, mà cái tình là tình mẹ bao la đen nhẻm đi vì dang nắng đi canh đi tìm con bé.
Và cũng là mấy ngày nay cô giáo cùng thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời phải nhọc nhằn, đến nhà em, đến nhà người nuôi em, liên lạc với cha của em, chỉ với một nỗi niềm : đưa em trở về mái ấm gia đình và đưa em đến lớp !
Thành viên Mái Ấm Giữa Đời cam kết, chỉ cần em về, chỉ cần em tới trường mọi lo toan học hành chúng tôi sẽ ghé vai, chỉ cần giữ được một con người không sa chân xuống bùn lầy, chúng tôi sẵn sàng gánh đỡ.
Người đàn bà vẫn khóc nhưng đôi vai đã bớt rung, bớt nức nở, chị cảm ơn chúng tôi đã đến ghé tay cùng với chị, chị cảm ơn chúng tôi đã lắng nghe chị chia sẻ nỗi lòng, phải rồi nỗi lo lắng mất một đứa con, nếu không được giãi bày nó khổ tâm, nó nặng nề biết mấy....
Có một tia hi vọng mong manh, bố đứa trẻ báo tin, khi thiện nguyện viên tới con nhỏ núp đâu đó rất gần, nó đã có tín hiệu muốn về nhà, chỉ cần nó về, nó tĩnh tâm trở lại, và nó yêu sự tới trường, thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời sẽ dang tay ôm nó đầy mến thương, làm sao có thể bỏ một con gà con dại khờ lang bang mấp mé cái dòng xoáy đen ngòm của tội lỗi. Nào cúng ta cùng cầu nguyện để mọi sự có thể là tốt đẹp.
Người đàn bà lau giọt nước mắt, chị nở nụ cười héo hon, tí niềm vui đã chợt bừng lên trên gương mặt khắc khổ. Gửi lại chút quà cho đám trẻ trong nhà đó, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Chúng tôi đi tiếp tới một căn nhà nhỏ xíu chẳng có một đồ đạc gì, ngoài cái phản gỗ và khung hình một cụ già phúc hậu bên tượng Phật. Đó là cụ Nguyễn Văn Đặng 84 tuổi, sống cô độc trong căn nhà đại đoàn kết mà địa phương và chòm xóm xây cất tặng cụ lấy chỗ trú nắng trú mưa. Cụ vừa được bà con bồng vào viện 512 giường của tỉnh Bình Dương cấp cứu vì đột quị.
Xét về máu mủ, thì cụ già đó chẳng còn ai, có một người tạm gọi là con rể ghẻ của cụ thôi ảnh vừa chạy đâu đó.
Người hàng xóm vừa chưa dứt lời phân bua thì anh chàng Đen lật đật chạy về. Thì ra cụ Đặng có người vợ đã qua đời, bà cụ may thay lại có tí con gái riêng, nhờ thế mà cụ Đặng mới may mắn có tí con hơi gọi là...con rể ghẻ.
- Tuy không máu không mủ, nhưng để cụ vậy sao đành, thôi dù ghẻ dù lở cũng phải quan tâm tới ông cụ.
Nhận phong bì với món quà 500 ngàn của thiện nguyện viên anh Đen hết sức ngỡ ngàng anh ấp úng : có ngờ đâu con cái ông Chúa mãi thành phố chạy về đây mà lại thương ông cụ tối ngày đi nguyện Phật ở cái góc khuất này, để tôi mướn hàng xóm cái điện thoại bọc theo, vô phòng cấp cứu nói cụ hay, để cụ mừng điện lại cảm ơn các cô con cái nhà ông Chúa.... Ơ mà chả biết có nói cám ơn nổi nữa không, đột quị vố này ông cụ nặng lắm, tám tư tuổi còn gì nữa...
Cả cái xóm nghèo nơi cuối con đốc đất đỏ, xúm lại xôn xao, việc có thiện nguyện viên tới xóm này là một sự là chưa bao giờ có. Trong xóm còn nhiều hộ rất khó khăn là dân các xứ trôi dạt về ven vạt rừng tràm, xong hôm nay thì thiện nguyện viên chúng tôi chưa thể tới viếng thăm bà con được. Chúng tôi còn phải lên đường tiếp....
Trường hợp thứ ba xin trích thư mà bạn đọc thông qua chương trình hành động Mái ấm Giữa Đời gửi cho thiện nguyên viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời :
“Bà cụ Đỗ Kim Xuyến, năm nay đã 73 tuổi, bị cụt một chân, một cánh tay bị tật, vừa mắc chứng bệnh tim, vừa bị bệnh bướu cường giáp. Một năm qua phải ra vào bệnh viện suốt. Mỗi lần đi viện đứa cháu lớn chở xe đạp đưa bà đi. Ngọc Thanh và Thanh Kiều ( 2 cháu kế ) thay phiên nhau vừa ra vào bệnh viện nuôi bà nội vừa chăm hai đứa em ở nhà với bữa đói, bữa no… Nhà có hai người lớn: bà nội và ba thì cả hai đều tàn tật, không còn sức lao động. Đứa cháu lớn bụng mang, dạ chửa sinh ra một đứa bé, giao luôn cho bà nội rồi bỏ nhà đi biệt. Thi thoảng tạt về nhà gửi bà nội khi vài trăm ngàn, khi chỉ có..lon sữa cho con. Nguồn sống cho 6 con người lớn, nhỏ đều dựa vào nguồn trợ cấp của địa phương cho 4 suất, hai người lớn và hai trẻ nhỏ với số tiền 340 000đ/ một suất mỗi tháng. Còn lại đều nhờ vào những người hàng xóm tốt bụng sống trong khu phố.
Huỳnh Công Tâm ( cha 4 đứa nhóc ) bị tai nạn giao thông bị hư một mắt và một bên tai, nhận thức không còn được như một người bình thường. Vợ anh ( con dâu bà cụ Xuyến )sinh đứa con út được hai tháng thì ra đi sau một cơn đau tim đột ngột ( mất đã 12 năm).
Người con trai Út bà cụ lén mang cái sổ nhà mang đi cầm cố vay nợ để làm ăn, bị thu lỗ rồi trốn đi mất biệt hai năm nay. Đến khi tòa án gửi giấy triệu tập bà mới hay chủ nợ gửi đơn thưa kiện. Người con vay nợ bao nhiêu bà không biết, chỉ biết tiền lời, tiền lãi lên đến 300 triệu. Cán bộ tòa án xuống nhà nhìn gia cảnh bà cháu đùm túm trong căn nhà nhỏ cũng không đành lòng thi hành án. Năn nỉ, thương lượng chủ nợ đồng ý cắt lại một phần căn nhà cho mấy bà cháu có chỗ ở . Tiền vật tư, công cán thợ xây cái nhà bếp xây người ta thấy tội nghiệp cho bà thiếu. Căn nhà nhỏ ở cuối cùng con hẻm chỉ vừa đủ một người qua ở khu phố 6, phường Hiệp Thành giờ chỉ còn lại gian nhà trên là chỗ trú ngụ cho sáu con người. Khoảnh sân nhỏ trước sân giờ là thành cái gian nhà bếp tạm bợ. Căn nhà được xây bít, ngăn ra để gán nợ….”
Và khi chúng tôi đến, hoàn cảnh còn bi đát hơn nhiều bởi cụ là nạn nhân của chiến tranh năm 1968, bom mìn đã lấy đi một chân và biến một cánh tay thành tàn phế. Người đàn bà bất hạnh vẫn chưa một ngày bình an, gánh nặng ba đứa cháu nội và đứa cháu cố mồ côi vẫn đè lên đôi vai lệch nhọc nhằn của cụ.
Có niềm vui nhỏ là dù gian khó song trong ổ nhà nhỏ này đức tin vẫn rất kiên vững, chúng tôi bất ngờ khi đặt chân vào bậc của lại được nghe lời giảng của cha Lãng tử, bà cụ cười, tôi nhờ người ta xin cho tôi cái đĩa này, mở nghe suốt. Các cháu nó tuy không mẹ, song bà hướng dẫn vẫn đi lễ nhà thờ đều, mọi thứ thiếu thốn trăm bề, mà thiếu Chúa nữa chắc chết !
Thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời gửi lại phần lương thực nhu yếu phẩm và 1 khoản tiền mặt giúp cụ qua cơn khó khăn trước mắt. Chúng tôi cũng cam kết sẽ hỗ trợ học hành cho bầy trẻ dù không có bàn tay mẹ nhưng rất ngoan và hiền lành, hi vọng các em có một tương lai tốt đẹp hơn, để những ngày tháng cuối đời bà cụ có thể bớt đi nỗi nhọc nhằn khốn khổ.
Con hẻm dẫn vào nhà cụ Xuyến chỉ vừa 1 xe TNV đi lọt (ảnh phải) và 2 đứa cháu cụ Xuyến khi Thành viên Mái Ấm Giữa Đời đến thăm (ảnh trái)
Tạ ơn Chúa, xin hãy xót thương những phận người quá đỗi thiệt thòi mà chúng con gặp gỡ chia sẽ hôm nay ! Xin nâng đỡ chúng con tinh thần ăn chay trong hành động đến với đồng loại của mình cách thiết thực nhất!
THU HƯƠNG
THIỆN NGUYỆN TÍN THÁC SÀI GÒN
6/3/2015